10 Viện nghiên cứu thuộc khu vực tư nhân dự báo tỉ lệ tăng trưởng tính theo năm ít nhất là dương 15%. Một viện đưa ra con số là hơn 25% sau khi điều chỉnh lạm phát. Như vậy, tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ vượt mức 12% vốn là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu có số liệu so sánh vào năm 1980.
GDP quý 2/2020 của Nhật Bản vượt kỷ lục. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo các nhà phân tích, tiêu dùng cá nhân cải thiện mạnh nhờ chương trình trợ giá du lịch của chính phủ. Xuất khẩu xe hơi sang Mỹ tăng, góp phần tăng GDP. Tuy nhiên, tăng trưởng có thể sẽ không trở về mức trước đại dịch.
Doanh số bán xe mới đã tăng gần 30% trong tháng 10 so với 1 năm trước. Đây là lần đầu tiên sau 13 tháng, doanh số so với cùng kỳ năm trước có sự gia tăng. Các nhóm ngành công nghiệp ô tô cho biết trong tháng trước đã bán được 406.851 xe, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 10 năm 2019, doanh số bán ô tô giảm do tình hình thời tiết khắc nghiệt, cũng như ảnh hưởng của việc tăng thuế tiêu dùng. Sau đó nhu cầu ô tô tiếp tục giảm mạnh vào đầu năm nay do khủng hoảng Covid-19. Gần đây, tình hình đã có sự chuyển biến.
Tuy nhiên, đại diện của ngành ô tô Nhật Bản cho biết, tâm lý người tiêu dùng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng tới đây nếu các công ty quyết định cắt giảm tiền thưởng do doanh thu giảm vì đại dịch.
Trong khi đó, để duy trì tăng trưởng, hiện tai, một số công ty của Nhật Bản đang tìm cách giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp tập trung ở một số nước và khu vực nhất định.
Công ty sản xuất đồ gia dụng Iris Ohyama là một trong những công ty đầu tiên thay đổi. Công ty bán khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc, cho đến khi nguồn cung bị gián đoạn ngay khi đại dịch bùng phát. Hiện tại, cùng với nguồn khẩu trang trên, công ty còn bán khẩu trang được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Miyagi. Giới chức công ty cho biết cũng đang cân nhắc mở rộng các cơ sở sản xuất tại Mỹ và Pháp.
Nikki Fron có trụ sở tại Nagano là nhà sản xuất các linh kiện và sản phẩm thiết yếu cho ngành công nghiệp bán dẫn và ô tô. Công ty hiện đang xây dựng nhà máy ở Thái Lan để bổ sung cho cơ sở sản xuất tại Nhật Bản. Còn Taiyo Koko, công ty chuyên cung cấp đất hiếm và kim loại, cũng bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình bằng cách xây dựng nhà máy luyện kim tại Malaysia. Trước đây, công ty nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Bắc Mỹ và Chile.
Trong đa số các trường hợp, thách thức lớn nhất là giải quyết chi phí phát sinh khi duy trì nhiều kênh sản xuất. Trước đây, các biện pháp tương tự đã được thực hiện để giảm thiểu thiệt hại tài chính trong trường hợp thiên tai hay có tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, đa số các công ty cuối cùng lại trở về với 1 chuỗi cung ứng đơn nhất để cắt giảm chi phí, và vì thế càng phụ thuộc nặng nề vào một số nước và khu vực nhất định.
Chính phủ Nhật Bản và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) hiện có các khoản trợ cấp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Hi vọng là các khoản trợ cấp đủ sức thuyết phục các công ty rằng đa dạng hóa nguồn cung ứng là cách đáng để thử trong những thời điểm vô cùng không chắc chắn như hiện nay./.
Nguồn: Bùi Hùng/VOV-Tokyo