LỄ HỘI HINA MATSURI LỄ HỘI BÚP BÊ NHẬT BẢN
LỄ HỘI HINA MATSURI – LỄ HỘI BÚP BÊ NHẬT BẢN
Trong các gia đình Nhật Bản, Hina Ningyo – búp bê Hina là những vật trang trọng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng được trưng bày trong căn phòng đẹp nhất của gia đình một vài ngày trong kỳ lễ hội và sau đó được cất giữ cẩn thận trong hộp cho đến kỳ lễ hội của năm sau. Trong những gia đình khá giả, bố mẹ cũng thường mua tặng cho con gái mới sinh của họ một bộ búp bê để chuẩn bị cho ngày Hina Matsuri. Còn ở một số gia đình thượng lưu, một bộ búp bê còn là một phần của hồi môn của cô dâu, kệ trưng bày búp bê còn là niềm tự hào của gia tộc.
Người thời xưa tin rằng búp bê có tác dụng xua đuổi ác ma cũng như sẽ hấp thụ phần linh hồn xấu, và sau đó chúng sẽ được thả trôi theo dòng nước để những linh hồn tà ác tan biến đi. Ngày nay, búp bê được trưng bày với ý nghĩa cầu nguyện cho sự hạnh phúc và may mắn cho tương lai của các bé gái đó.
Kệ búp bê đầy đủ nhất có 5 hoặc 7 bậc, 15 búp bê Hina được trưng bày trên một tấm nhung đỏ.
• Ở bậc cao nhất là búp bê Dairi (内裏雛) đại diện cho vua và hoàng hậu, nếu nhìn từ chính diện thì vua được đặt bên trái và hoàng hậu được đặt bên phải, sau lưng là một bức bình phong (Byobu - 屏風), hai bên có hai cây đèn giấy in hoa văn Bonbori (雪洞), trước mặt 2 búp bê Dairi thường có hai lọ hoa đào Momo, hai đĩa bánh mochi - một loại bánh dày nhân ngọt truyền thống của Nhật làm từ bột gạo, và rượu ngọt Shirozake.
• Tầng tiếp theo là 3 búp bê nữ quan Sannin Kanjo (三人官女). Nữ quan cầm bàn ăn ngồi ở giữa, nữ quan cầm một cái cán dài ở bên phải, còn nữ quan cầm bình rượu sake có vòi ở bên trái. Ở giữa 3 nữ quan là 2 loại bàn đứng Takatsuki được đặt Omochi hình tròn (Maru-mochi), 2 tầng trắng và hồng.
• Tầng thứ 3 là tầng trưng bày 5 nhạc công cung đình Gonin Bayashi(五人囃子), trong đó 3 người chơi trống, 1 người thổi sáo, 1 người cầm quạt.
• Tầng thứ tư là 2 búp bê đại thần Zuijin (随身). Nếu nhìn trực diện thì bên phải là Đại thần già và bên trái là Đại thần trẻ.
• Tầng thứ 5 là 3 búp bê lính cận vệ Sannin Jougo (三人仕丁) với 3 biểu cảm cười - khóc - giận dữ trên mặt. Họ là người hầu và hộ vệ của Vua và Hoàng hậu. Theo phong cách Tokyo, búp bê cầm cái hốt rác xếp ở giữa, búp bê cầm cái cào ở bên trái và búp bê cầm cái chổi ở bên phải. Phía hai bên được trang trí bằng một chậu hoa đào và một chậu quất.
Còn theo phong cách Kanto sẽ gồm 1 búp bê đang nâng cái kệ để guốc ở giữa, 1 búp bê cầm cây dù đi mưa ở bên phải, 1 búp bê cũng cầm dù nhưng là dù để che nắng ở bên trái
Hai bên 3 búp bê thường được trang trí bằng một chậu hoa đào và một chậu quất.
• Hai bậc cuối cùng thường dùng để trang trí một số đồ vật như tủ, cái rương, lò lửa, hộp đựng kim chỉ, bàn trang điểm, dụng cụ pha trà đạo, hộp đựng nhiều tầng, xe bò,…
Vào ngày lễ các bé gái sẽ được cha mẹ tổ chức buổi tiệc dành riêng cho mình. Đây là dịp các bé gái có thể mời bạn bè đến nhà cùng thưởng thức những món ăn như là bánh gạo hishimochi, xôi đỗ sekihan, uống rượu ngọt shirosake được làm từ gạo lên men, các loại kẹo màu, các loại thạch… được dâng cho các búp bê. Các món ăn, bánh, kẹo đều có màu sắc phong phú, xanh, hồng, trắng được chế biến từ các loại lá cây rất tốt cho sức khỏe nhằm xua đuổi đi những ốm đau, bệnh tật.
Hina Arare, món kẹo đặc trưng không thể thiếu của lễ hội. Có 4 màu hồng, xanh, vàng, trắng đại diện cho 4 mùa trong năm với ý nghĩa 1 năm luôn hạnh phúc tràn đầy.
Người Nhật còn ăn Chirashizushi. Đây là món ăn chính được sử dụng trong lễ, nguyên liệu làm nên món ăn này cũng rất có ý nghĩa: tôm (trường thọ), gốc sen (suy nghĩ thấu đáo), đậu (lành mạnh). Thêm vào đó là trứng cá hồi, rong biển…
Họ còn ăn Hamagurino Osuimono, vì tin rằng hai mảnh vỏ nghêu ghép với nhau là biểu tượng của cuộc sống hạnh phúc và thuận hòa.
Trong lễ hội này người Nhật thường chưng hoa đào nên Hina Matsuri còn có tên là Momo-no-sekku nghĩa là Lễ hội hoa đào. Hoa đào loài hoa tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, là biểu tượng không thể thiếu trong ngày lễ này.
Ngày nay, mỗi năm đến dịp Hina Matsuri, các gia đình Nhật vẫn giữ truyền thống trang trí búp bê. Những con búp bê gia truyền được người Nhật trân trọng và các cô dâu khi về nhà chồng cũng được cho mang theo như một bảo vật hộ mệnh của gia đình.
Nguồn: sưu tầm
Bài liên quan:
- Cờ các quốc gia Olympic Nhật Bản 2020 được tái hiện qua nhân vật Anime (25/02/2020)
- TẾT ĐOAN NGỌ NHẬT BẢN TANGO NO SEKKU (25/02/2020)
- NHẬT NGỮ MINH VIỆT THĂM NHÀ CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH THÁI BÌNH (20/02/2020)
- LỄ HỘI SHICHIGOSAN NHẬT BẢN (20/02/2020)
- NHẬT NGỮ MINH VIỆT THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI HỘI KHUYẾN HỌC, HỘI PHỤ HUYNH TỈNH THANH HÓA (20/02/2020)