Nhật Bản kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân

Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực làm cầu nối giữa các quốc gia nhằm tiến đến việc hiện thực hóa mục tiêu một thế giới không vũ khí hạt nhân. Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu sau khi Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế (Ủy ban 1) của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) vừa thông qua dự thảo nghị quyết của Tokyo kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết dự thảo nghị quyết có tiêu đề “Các tiến trình hành động chung và đối thoại hướng đến tương lai vì một thế giới không vũ khí hạt nhân” mà Nhật Bản đệ trình lên Ủy ban 1 của ĐHĐ LHQ đã nhận được sự ủng hộ của 139 quốc gia. Dự thảo dự kiến sẽ được ĐHĐ LHQ xem xét tại một phiên họp toàn thể vào đầu tháng 12 tới đây.

Theo đài NHK, đây là lần thứ 27 liên tiếp, một dự thảo nghị quyết của Nhật Bản kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân được thông qua. Hằng năm, Nhật Bản đều đưa ra đề xuất về vấn đề này kể từ năm 1994 đến nay. “Năm 2020 đánh dấu 50 năm kể từ khi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) có hiệu lực và 75 năm vụ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima, Nagasaki. Dự thảo nghị quyết năm nay tái khẳng định cam kết vì mục tiêu cuối cùng là loại bỏ vũ khí hạt nhân. Dự thảo nghị quyết đề xuất các hành động cụ thể để thúc đẩy giải giáp hạt nhân và nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại hướng đến tương lai nhằm duy trì và tăng cường NPT”, Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu nhấn mạnh.

Nhật Bản kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết của Nhật Bản kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân hồi năm 2018. Ảnh: Kyodo News.

Đài NHK cho biết, trong số những hành động mà dự thảo nghị quyết đề xuất có việc kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có các biện pháp tăng cường tính minh bạch và sự tin cậy lẫn nhau. Dự thảo nghị quyết cũng thừa nhận tầm quan trọng của Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START-3) giữa Mỹ và Nga.

Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu nêu rõ thông qua dự thảo nghị quyết lần này, Nhật Bản muốn đóng góp vào “một kết quả thành công” của Hội nghị đánh giá NPT lần thứ 10 dự kiến được tổ chức trong thời gian tới. Nhật Bản tin rằng việc dự thảo nghị quyết nhận được sự ủng hộ rộng rãi, trong đó có cả Mỹ và Anh vốn là hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, là một bước tiến quan trọng hướng đến xây dựng sự đồng thuận tại Hội nghị đánh giá NPT lần thứ 10.

Đài NHK lưu ý rằng, dự thảo nghị quyết của Nhật Bản không đề cập tới Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) vốn được ĐHĐ LHQ thông qua vào năm 2017 và dự kiến có hiệu lực vào tháng 1-2021. Trên thực tế, ngày 26-10 vừa qua, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato đã nêu rõ, mặc dù Tokyo chia sẻ mục tiêu của TPNW là loại bỏ vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không tham gia hiệp ước này do “khác về cách tiếp cận vấn đề”. “Điều này là thử thách lớn đối với Nhật Bản trong vai trò là cầu nối giữa các quốc gia sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân bởi Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới từng bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân”, đài NHK bình luận.

Dự thảo nghị quyết của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nga đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và số phận của Hiệp ước START-3 vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 vẫn đang còn bỏ ngỏ. Trong niên giám 2020, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính thế giới hiện vẫn còn khoảng 13.400 đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của 9 quốc gia gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ,  Pakistan, Israel và Triều Tiên. Như vậy, con số này đã giảm so với thời điểm năm 2019 là 13.865 đầu đạn hạt nhân. Điều đáng chú ý là SIPRI đánh giá mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân có giảm nhưng các quốc gia lại đang tiếp tục đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

                                                                                                                                                                                                                         VĨNH AN

GIỮ KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI


Đăng ký để nhận bản tin hàng tuần của chúng tôi phân phối trực tiếp đến hộp thư của bạn